Đề thi có tính phân hóa, sẽ không có "mưa" điểm 10
Hôm qua (ngày 7/6), gần 1 triệu thí sinh bước vào ngày thi đầu tiên với hai môn Văn và Toán. Cho đến sáng nay, đề thi được thầy cô đánh giá là khá hay và vừa sức, phù hợp với tình hình dịch bệnh. Chiều 7/7, thí sinh (TS) trong cả nước đã kết thúc môn thi Toán. TS Hà Nội khá nhẹ nhõm khi kết thúc ngày thi đầu tiên. Nhiều TS đánh giá đề thi Toán năm nay vừa sức, học sinh không khó để đạt mức 7-8 điểm. Đề thi có tổng cộng 50 câu, trong đó có 10 câu phân loại học sinh giỏi.
Thầy Đoàn Trí Dũng, giáo viên Toán Trung tâm Bồi dưỡng Văn hóa Trí Anh, Hà Nội cho biết: Đề thi Toán năm nay khó hơn năm 2020 khoảng 0,4-0,6 điểm. Có 38 câu đầu nhẹ nhàng, đảm bảo tốt nghiệp và phù hợp với năm dịch bệnh. Và đặc biệt có 5 câu phân loại TS rất hay và để đạt được mức 9 thì không hề đơn giản. Năm nay sẽ không có mưa điểm 10.
Thầy Lê Bá Trần Phương, giáo viên Toán Hệ thống Giáo dục Học Mãi chia sẻ: Cấu trúc đề thi và đề bám sát chương trình, SGK. Ở 30 câu đầu các em có thể làm nhanh trong 30 phút. 90% kiến thức nằm trong chương trình lớp 12, 10% trong chương trình 11. Các câu từ 31 trở đi ở mức khó tăng dần. Phần khó nhất ở 5 câu cuối. Theo tôi, phổ điểm xét tuyển ĐH ở các trường tốp đầu sẽ tăng so với năm ngoái.
Với môn Văn, buổi sáng các TS làm bài thi môn Ngữ văn, hình thức thi tự luận, thời gian làm bài 120 phút. Phổ điểm TS dự tính từ 6-8 điểm. Chia sẻ sau khi kết thúc môn thi đầu tiên của kỳ thi tốt nghiệp THPT, Các TS tại điểm thi THPT Việt Đức, Phan Đình Phùng, Trần Phú (Hà Nội) đều cho biết đề thi vừa sức. Nhiều TS thở phào sau môn thi Văn vì “trúng tủ”, song cũng không ít TS khá bất ngờ với thi vào đề "Sóng" của Xuân Quỳnh. Tại điểm thi trường Việt Đức, phần lớn TS chia sẻ, trước ngày thi các em tập trung ôn kỹ một số tác phẩm văn xuôi như "Vợ chồng A Phủ", "Vợ nhặt", nên khi đọc đề vào bài "Sóng" của nhà thơ Xuân Quỳnh thấy bất ngờ, nhiều bạn “lệch tủ”, thậm chí có bạn bật khóc ngay khi đọc đề. Tuy nhiên, sau đó các bạn đã tập trung làm bài, dù kết quả có thể không được tốt như mong đợi.
Em Thu Hà (THPT Nhân Chính, Hà Nội) cho biết: “Đề thi năm nay tương đương năm ngoái. Em thi khối D, nguyện vọng trường ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội! Với em đề thi không quá khó, câu "Sóng" của Xuân Quỳnh em cũng không bất ngờ và làm được. Chắc em sẽ được 8 điểm với môn thi này”.
Một số TS khác chia sẻ: Ở phần đọc hiểu, cách hỏi của đề thi năm nay có lạ hơn so với những năm trước. Bài nghị luận xã hội hỏi về sự cống hiến, mang tính mở, TS có thể vận dụng nhiều kiến thức xã hội, hiểu biết về các vấn đề thời sự để đưa ra dẫn chứng. Khi mà cả nước đang trải qua những ngày khó khăn khi dịch bệnh bùng phát, ai cũng cần có tinh thần vì cộng đồng, vì xã hội, cống hiến hết mình, có sự cống hiến thầm lặng để đẩy lùi dịch bệnh, trong đó tiêu biểu nhất là những y bác sĩ…
Nhận xét về đề Văn, Cô Phạm Thị Thu Phương, Giáo viên môn Ngữ Văn tại Tuyensinh247.com cho biết: Đề thi TN THPT môn Ngữ Văn năm 2021 giữ nguyên cấu trúc của đề thi minh họa kì thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn do Bộ GD-ĐT công bố ngày 31/03/2021, cũng là cấu trúc của đề thi chính thức môn Ngữ văn trong kì thi TN THPT năm 2020. Học sinh trung bình nắm chắc kiến thức cơ bản có thể đạt được điểm 5 - 6 đủ để xét tốt nghiệp, học sinh khá có thể đạt được trên dưới điểm 7, học sinh giỏi có thể đạt được điểm 8 trở lên.
Sáng nay 8/7, sau hai bài thi tổ hợp nhiều thí sinh có tâm trạng thoải mái, phấn khởi bởi kết quả làm bài tốt. Cùng tâm trạng phấn khởi sau khi hoàn thành tốt ngày thi đầu tiên với môn Toán và Văn, thí sinh Nguyễn Tuấn (Trường THPT Lê Quý Đôn, Hà Đông) bày tỏ: "Đề thi năm nay vừa sức, trong đó em tự tin nhất với môn Llý và Hoá. Mặc dù năm nay thi trong bối cảnh phải bảo đảm phòng, chống dịch và thời tiết không thuận lợi nhưng đây sẽ là kỷ niệm khó quên trong đời học sinh".
Xử lý khẩn các tình huống phát sinh do dịch Covid-19
Ngày 7/7, ông Chử Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP, Trưởng ban Chỉ đạo thi TP.Hà Nội đã đi kiểm tra công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT 2021 tại điểm thi Trường THPT Mỹ Đức B (huyện Mỹ Đức).
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo thi huyện Mỹ Đức, điểm thi Trường THPT Mỹ Đức B (huyện Mỹ Đức) có 31 phòng thi với 751 TS đăng ký dự thi. Đây là một trong số 4 điểm thi của huyện Mỹ Đức. Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, trên địa bàn huyện đã có nhiều ca nhiễm nên các điểm thi đã tăng cường công tác phòng dịch, phân loại TS dự thi. Ban Chỉ đạo huyện đã rà soát, xác định có 148 TS bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ngày đầu tiên, công tác phân luồng giao thông tới các điểm thi được đặc biệt lưu ý, tránh để TS đi qua nơi có ổ dịch.
Trực tiếp kiểm tra công tác tổ chức kỳ thi ở nhiều khâu, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng nhắc nhở các đơn vị, cá nhân tiếp tục nâng cao ý thức trách nhiệm để góp phần tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc. Lưu ý trước diễn biến mới của dịch trên địa bàn thành phố khi tại một số quận, huyện vừa ghi nhận một số ca dương tính với vi rút SARS CoV-2, Ban Chỉ đạo thi thành phố chỉ đạo Sở GD-ĐT, Ban chỉ đạo thi của các địa phương và các điểm thi tăng cường rà soát, có phương án ứng phó với diễn biến mới của dịch, đồng thời duy trì nghiêm túc các quy định phòng, chống dịch ở mọi khâu để bảo đảm tổ chức kì thi an toàn.
Còn tại TP.HCM, trưa ngày 7/7, Sở GD-ĐT TP.HCM đã báo cáo về tình hình thi tốt nghiệp THPT môn Văn. Theo đó, trong 3 TS nghi mắc COVID-19 vừa được phát hiện tại TP.HCM có 2 TS đã dự thi sáng 7/7, trong đó có 1 TS phát hiện được ngất xỉu tại phòng thi. TS F0 còn lại được phát hiện trong buổi làm thủ tục từ 6/7. Được biết, đối với môn văn, TP có 88.245 TS đăng ký, có 88.978 TS dự thi (chiếm tỷ lệ 94, 03%). Số lượng nhân viên, cán bộ coi thi là 17.009 người, vắng 43 người do nằm trong khu vực phong tỏa.
Thành phố đã bổ sung 30 cán bộ coi thi thay thế nhằm đảm bảo đủ nhân lực cho kỳ thi. Trước đó, ông Trần Khắc Lễ, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Phú Yên, cho biết toàn bộ TS và cán bộ làm công tác thi đã được lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 trong hai ngày 3 và 4/7. Qua thông báo nhanh bằng điện thoại của Giám đốc Sở Y Tế - Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh thì có 151 TS và 15 cán bộ công an làm công tác thi tốt nghiệp THPT ở Phú Yên có kết quả xét nghiệm nghi nhiễm SARS-CoV-2.
Tối 6/7, tỉnh Bắc Giang xuất hiện trường hợp TS tại Điểm thi trường THPT Lạng Giang số 3 (huyện Lạng Giang) nghi dương tính với Covid-19, trong khi chiều cùng ngày, em này đã tới làm thủ tục dự thi. Ngay đêm 6/7, BCĐ thi của tỉnh họp khẩn cấp, quyết định dừng việc tổ chức thi ngày 7-8/7 tại Điểm thi này, để đảm bảo an toàn, quyền lợi cho TS, cán bộ làm thi. 472 TS của Điểm thi THPT Lạng Giang số 3 chuyển sang thi đợt 2, cùng 2.578 thí sinh khác trên địa bàn tỉnh không đủ điều kiện dự thi đợt 1 do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Các TS này ngay trong đêm được giáo viên gửi tin nhắn thông báo tình hình, động viên tinh thần. Sáng 7/7, Bắc Giang do đó chỉ còn 32/37 Điểm thi cho hơn 17.900 TS.
Ngày 7/7, Thứ trưởng Bộ GĐ-ĐT Phạm Ngọc Thưởng cùng đoàn kiểm tra số 2 của Ban Chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 đã tới thực tế kiểm tra công tác tổ chức thi tại “tâm dịch” Bắc Giang. Tại Điểm thi trường THPT Việt Yên số 1 (huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang), Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đã kiểm tra công tác phân luồng, đo thân nhiệt, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 cho TS và cán bộ làm thi trước khi vào trường thi.
Đánh giá cao công tác tổ chức Kỳ thi trong điều kiện có dịch của địa phương từng là “tâm dịch” cả nước này, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đồng thời chia sẻ và ghi nhận những nỗ lực của Bắc Giang trong 2 tháng “gồng mình” chống dịch nhưng đến giờ đã cơ bản kiểm soát được và có thể tổ chức thi đợt 1 cho hơn 85% TS đăng ký dự thi. Quá trình tổ chức thi và xử lý các tình huống phát sinh, Thứ trưởng đề nghị cần tạo thuận lợi nhất cho TS, những khó khăn thì người lớn nỗ lực giải quyết.
Sáng 7/7, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ và đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 đã tới thị sát Điểm thi Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) và kiểm tra công tác thi tại 2 Điểm thi của tỉnh Hòa Bình. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: Kỳ thi được tổ chức trong bối cảnh dịch Covid-19 có những diễn biến phức tạp, nên có nhiều khó khăn, thách thức. Do đó, bên cạnh nhiệm vụ chuyên môn, cần đảm bảo kỳ thi diễn ra an toàn, chất lượng, khách quan, công bằng; đồng thời làm tốt công phòng chống dịch bệnh. Đặc biệt, cần đảm bảo an toàn sức khoẻ cho TS và lực lượng tham gia phục vụ thi. Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh cần chỉ đạo các lực lượng liên ngành, phối hợp thực hiện tốt nhiệm vụ và các phần việc của mình, quyết tâm tổ chức kỳ thi thành công trên mọi phương diện.
Theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, ngày thi đầu tiên các Hội đồng thi đã thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 và triển khai các phương án dự phòng nên đã xử lý kịp thời các tình huống bất thường, bảo đảm tổ chức thi an toàn, nghiêm túc./.
Ngày thi đầu tiên có 9 TS bị đình chỉ thi
Theo báo cáo nhanh của Bộ GD&ĐT, ở ngày thi thứ nhât tổng số TS đến dự thi: Môn Ngữ Văn: 977.642, đạt tỷ lệ 97.1%; Môn Toán: 981.773, đạt tỷ lệ 97.18%.
Tổng số TS bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nên không thể dự thi: 23.786 TS.
Tổng số TS vi phạm quy chế thi: 09 TS bị đình chỉ;
Tổng số cán bộ vi phạm quy chế: 0 cán bộ.
- Buổi thi Ngữ văn, Toán diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.
- Theo đánh giá ban đầu của TS, giáo viên và dư luận xã hội, đề thi bài thi Ngữ văn và bài thi Toán nằm trong chương trình THPT, có sự phân hóa phù hợp.
|
Bộ GD-ĐT cam kết đảm bảo quyền lợi cho thí sinh thi đợt 2
Trong công văn gửi các trường đại học, cao đẳng sư phạm ngày 7/7, Bộ GD-ĐT cho biết, các cơ sở giáo dục đại học, các trường cao đẳng tuyển sinh ngành giáo dục mầm non đề nghị sẵn sàng điều chỉnh và thực hiện công tác tuyển sinh phù hợp với kế hoạch thi tốt nghiệp THPT 2021.
Bộ GD-ĐT cũng cho biết trong trường hợp vì lý do bất khả kháng mà kỳ thi đợt 2 được tổ chức muộn hơn nhiều, dẫn tới không thể tổ chức xét tuyển chung với thí sinh đã tham dự kỳ thi đợt 1, Bộ GD-ĐT sẽ có văn bản hướng dẫn kịp thời, đảm bảo tốt nhất quyền lợi của thí sinh, đồng thời không ảnh hưởng lớn tới kế hoạch năm học của các trường.
Với các trường sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT xét tuyển đầu vào, Bộ GD&ĐT sẽ điều chỉnh lịch để xét tuyển chung cho các thí sinh sau 2 đợt thi tốt nghiệp THPT như năm ngoái.
Trong trường hợp vì lý do bất khả kháng mà kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 2 được tổ chức muộn hơn, dẫn tới không thể tổ chức xét tuyển chung với thí sinh tham dự thi tốt nghiệp THPT đợt 1, Bộ GD&ĐT sẽ ra văn bản hướng dẫn kịp thời, đảm bảo quyền lợi của thí sinh, không ảnh hưởng tới kế hoạch năm học của các trường.
Với các thí sinh đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng sư phạm bằng các phương thức không sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT, Bộ đề nghị các trường cần công khai điều kiện trúng tuyển để các thí sinh có thể cùng nhập học sau khi được công nhận tốt nghiệp THPT cả hai đợt.
Riêng các trường đại học tổ chức kiểm tra năng khiếu hoặc thi tuyển sinh riêng thì phải căn cứ tình hình diễn biến của dịch COVID-19 xem xét điều chỉnh kế hoạch tuyển sinh cho phù hợp.
|